Nội dung bài này là một trích đoạn từ cuốn sách “Bí quyết thành công của các triệu phú trẻ Hàn Quốc”. Đơn vị tiền tệ trong bài được người soạn giữ nguyên đơn vị won. Để dễ hình dung, người đọc hãy tự lưu ý tỉ giá đồng won với đồng VND để có tương quan trong quá trình đọc và nắm bắt thông tin bài viết. Khuyến khích đọc bản sách giấy để có cái nhìn trọn vẹn hơn.
Ngoài thực lực, bạn cần có một con át chủ bài, và nó sẽ là chìa khóa đi đến thành công
Tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc, học và lấy bằng MBA ở Nhật và Hồng Kông, hiện tại Kim Myung Kook, giữa tuổi 30, đang làm trưởng đại diện khu vục Đông Nam Á của một công ty tư vấn đầu tư nước ngoài. Thời điểm 2005, Kim điều hành một quỹ đầu tư trị giá 420 tỷ won và hưởng lương 1 triệu 700 ngàn đô la Mỹ một năm. Nếu tính cả thu nhập kiếm thêm từ đầu tư trực tiếp của cá nhân Kim thì anh có tổng thu nhập hàng năm lên tới 2 tỷ 500 triệu won.
Kim nói: “Thỉnh thoảng tôi được mời thỉnh giảng các khóa về đầu tư. Những người học thấy tôi còn trẻ nên có vẻ hoài nghi. Nhưng khi tôi tâm sự với họ rằng tôi kiếm tiền nhiều hơn ba lần lương trung bình năm của các giám đốc điều hành (CEO) quốc tế thì họ tròn mắt nhìn tôi và có phần tin tưởng hơn”.
Chỉ trong 10 năm làm việc, bằng sự cần mẫn và chuyên tâm trau dồi năng lực bản thân mà Kim đã đạt tới vị trí như thế. Có thể xem cần mẫn và năng lực là những yếu tố cơ bản để làm giàu, nhưng để có được khoản tài sản đó, ngoài dòng “máu nóng”, Kim còn có dòng “máu lạnh” trong người anh ta. Kim có nụ cười thân thiện, giọng nói nhỏ nhẹ như giáo viên, gương mặt không hề có một vết nhăn thể hiện sự căng thẳng thường trực thường thấy ở các doanh nhân. Tuy nhiên, trên thương trường anh có thể trở thành người “máu lạnh” bất cứ lúc nào.
Kim quan niệm: “Nếu một nhà kinh doanh từ bỏ thương trường thì suốt đời anh ta chỉ là một người làm công ăn lương mà thôi. Trên thương trường, nếu bị đánh má trái thì anh phải đánh trả bằng được má phải đối phương”.
Khi được hỏi về bài học hàng ngày của mình, Kim đáp:
Tôi nhớ Bismarck, người xây dựng nền tảng đế quốc Đức, từng nói rằng: “Người đàn ông muốn làm được việc lớn phải có đủ tính cách của cả hai thái cực”. Với người lương thiện bạn phải lương thiện hết mức, ngược lại bạn phải thật quyết liệt. Đó là triết lý sống của tôi.
Không có khả năng làm kinh tế là điều tồi tệ
Người đã lên tới ngưỡng tự do về tài chính thì không cần phải cạnh tranh. Người có mức lương năm vài chục triệu won và thỏa mãn với cuộc sống trung lưu của mình cũng không cần cạnh tranh. Nhưng muốn giàu có hơn, muốn mình có giá trị hơn thì cần phải có tinh thần tranh đấu.
Tất nhiên trên đây chỉ là ý kiến cá nhân tôi. Nhưng phần lớn người đời thường bị thôi miên bởi “dân chủ, tự do, bình đẳng”. Xin nhớ rằng trên thế gian này không có gì bình đẳng cả. Bạn trả cùng một mức tiền như người giàu để vào nhà tắm công cộng là bình đẳng ư? Người vào nhà hàng cao cấp thường xuyên và người trong đời họa may một lần vào nhà hàng đó là bình đẳng sao?”
Các triệu phú trẻ mà tôi từng gặp đều khuyên rằng trong thế giới kinh doanh, nếu không muốn thành người thất bại, người luôn rượt đuổi kẻ khác thì bạn phải mài sẵn răng nanh để tranh đấu.
Thất bại đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng. Và không có khả năng làm kinh tế là điều tồi tệ nhất. Để tranh đấu, ai từ bỏ ý chí thì vĩnh viễn trở thành người thất bại. Ai mang lòng thương hại đối với người thất bại trong thế giới kinh doanh chính là tự kéo mình xuống hàng ngũ người thất bại.
Tri thức là người dẫn đường vĩ đại
Ai thu được tri thức từ những cái nhìn thấy, trí tuệ từ những cái không nhìn thấy thì người đó đủ điều kiện để trở thành triệu phú.
Là “cao thủ” đấu giá bất động sản, Kim Hyoung Ta (40 tuổi) – triệu phú từ hai bàn tay trắng – có ngôi biệt thự trị giá hơn 4 tỷ won ở Sam Sung, quận Kang Nam. Học vấn của anh chỉ ở mức trung học phổ thông nhưng anh lại có kiến thức rất sâu về luật dân sự, về bất động sản, tất cả là nhờ học. “Học là người dẫn đường vĩ đại của tôi”, Kim nói.
Kim kể: “Trước đây tôi làm nghề tiện, rồi lái xe cho một nhà máy ở Buchon, đồng thời học lỏm cách đầu tư bất động sản từ người khác. Ban ngày tôi làm việc, còn ban đêm tôi đánh vật với từng trang sách luật bất động sản và luật dân sự”.
Sau đó, Kim bắt đầu đầu tư vào bất động sản từ mấy công đất ở quê mang tên người anh. Năm 2001, qua đấu giá phát mãi tài sản của tòa án, Kim mua được mảnh đất mặt tiền thuộc phường Noeun, thành phố Kwang Myung, tỉnh Kyong Ky, với giá 180 triệu won, trong khi giá thị trường là 680 triệu won.
Mảnh đất có giá lắm. Nhưng do mảnh đất đang trong tranh chấp tố tụng nên không mấy người dự đấu giá, ai cũng phải cẩn thận. Mấy lần bán không được, giá đấu giá tụt xuống còn 173 triệu won. Dựa trên kiến thức về luật đã học, Kim phân tích kỹ hồ sơ này và tìm đến luật sư. Kim theo đấu thầu đến bảy lần, lần cuối trúng đấu thầu với giá 180 triệu won.
Sau khi nộp tiền thầu, tiền thuế xong Kim lời 2 tỷ 800 triệu won, một khoản tiền lớn bằng 14 lần giá trúng đấu giá. Không phải ngẫu nhiên mà Kim thu lợi lớn như thế. Cũng không phải gặp vận may tiền đến. Chính tri thức và linh cảm về bất động sản, về luật pháp từng dày công học tập lâu nay đã mở rộng tầm nhìn cho Kim. Trong thư viện tư của Kim, sách, tài liệu về bất động sản, về luật dân sự chất kín tường lên tận trần nhà.
Lee Keun Sung (36 tuổi) khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nay có tài sản khoảng 2 tỷ won nhờ đầu tư chứng khoán vào Trung Quốc mấy năm gần đây. Lee luôn tìm đọc ngấu nghiến báo cáo của các công ty chứng khoán nước ngoài, đồng thời nghiên cứu ngành nghề nào ở Trung Quốc có lợi tức cao và dòng chảy của mạch tiền ra sao. Còn Park Sang Hyun (30 tuổi), vốn xuất thân từ nhân viên công ty kiểm toán, nay có cửa hàng quần áo với doanh số bán ra mỗi năm trên 5 tỷ won. “Tôi luôn thu thập tất cả tài liệu về các loại vải và thời trang. Chuyên môn của tôi không phải là thời trang nên tôi phải học bằng 10-20 lần người khác”, Park nói.
Triệu phú Seo Kyong Sik (39 tuổi) nhấn mạnh: “Dù là đầu tư hay kinh doanh thì nhất thiết phải tìm phương pháp để đạt được kết quả tốt nhất. Phải tìm cho được bậc thầy trong lĩnh vực mà mình đang quan tâm. Phương châm là phải học hỏi từ các bậc thầy này”. Kim Chol Kyu (36 tuổi), đang điều hành một sân golf lớn, nói rằng: “Người đánh golf xa 150 mét nếu có thầy có thể đánh xa tới 180 mét. Nhưng nếu muốn đánh xa hơn 200 mét thì phải học lại từ đầu cách cầm cần golf”.
Nhưng trước khi đứng trong hàng ngũ triệu phú, những người bình thường này không có nhiều bạn là triệu phú. Vậy họ học bằng cách nào? Kim Chol Kyu nói: “Chính là sách. Nhưng nội dung và hình thức sách không phải là điều quan trọng nhất. Mà quan trọng là những bí quyết, suy nghĩ của tác giả ẩn trong từng con chữ. Nếu tìm được tri thức trong những điều đã biết, trí tuệ trong những điều không nhìn thấy thì người đó có đủ tư cách thành triệu phú”.
John Templeton nói như sau:
“Người chuẩn bị cho thành công phải luôn gắn chặt với thư viện. Với những người thành công nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người khác, khi bắt đầu có sự nghiệp thì sách đối với họ càng trở nên quan trọng.”
Sang Hyun Chol, 38 tuổi, hiện là chuyên gia ngân hàng, giải thích như sau:
“Nếu đọc sách về đầu tư cổ phiếu thì trong một tháng bạn phải đọc 3 – 4 cuốn. Nếu đọc rải ra một năm từng ấy sách thì luồng kiến thức của bạn sẽ bị gián đoạn. Bạn khó tập hợp thông tin, không theo kịp xu thế đầu tư và dễ lạc hướng. Khi đọc, hãy luôn hỏi “tại sao” vì đó là một câu hỏi rất hữu ích.”
Sách lịch sử là nhóm sách được yêu thích
Các cuốn sách mà các triệu phú trẻ hay đọc là “Từ điển bách khoa”, “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Lịch sử diệt vong của đế quốc La Mã”, “Trường ca Ilias và Odyssée”… Vì sao họ lại thích sách lịch sử? Triệu phú Lee Sung Je (38 tuổi) – nhà đầu tư cổ phiếu thành công – giải thích: “Người chiến thắng của lịch sử phải là người dám đặt chân lên những con đường dài và có nhiều chông gai phía trước. Đầu tư cũng giống như cuộc trường chinh vậy. Có lẽ vì thế nên các triệu phú trẻ thường có ấn tượng mạnh bởi những cuốn sách như thế”.
Theo kết quả điều tra về “sự phát triển bản thân mình” được triển khai tại Hàn Quốc, điều mà các triệu phú trẻ quan tâm đầu tư theo thứ tự là: học tập tri thức để kiếm tiền (57%), giữ gìn sức khỏe (26%), nâng cao nhận thức nhân văn (10%) và tham gia hoạt động xã hội (7%). Trong đó, để có tri thức thì việc tạo ra “nhân mạch” là quan trọng nhất (65%).
Hơn 28% số triệu phú trẻ luôn đều đặn cập nhật thông tin ở thư viện. Hãy lắng nghe lời Kang Min Chol (43 tuổi, làm nghề cho thuê nhà, có tài sản 5 tỷ won nhờ đầu tư bất động sản): “Một tháng, ít ra là một lần tôi đi thư viện. Một ngày ở trong thư viện yên tĩnh tôi thu hoạch tri thức và thông tin hơn 10 lần ngồi ở văn phòng”.
Trắc nghiệm tìm hiểu xem bạn có những thói quen sinh hoạt và khuynh hướng tài chính nào giống với các triệu phú trẻ Hàn Quốc: TẠI ĐÂY