Có thể bạn tự chủ động tìm đến bảo hiểm, hoặc các công ty bảo hiểm sẽ tìm đến bạn trước. Dù bảo hiểm có xuất hiện trước mặt bạn với muôn hình muôn vẻ đi chăng nữa thì cũng có những điểm cốt lõi đã được quy định thành luật. Những điểm đó sẽ giúp chúng ta chủ động trong mọi trường hợp; tự tin đưa ra các quyết định chính xác thay vì mơ hồ nghe theo những lời tư vấn hấp dẫn nhưng nửa vời.
1. Có những loại hình công ty bảo hiểm nào?
Công ty bảo hiểm trước hết là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Họ có thể chọn lựa kinh doanh nhiều loại sản phẩm bảo hiểm khác nhau, tuỳ thuộc vào việc họ đáp ứng được những yêu cầu nào của Bộ Tài chính. Mặc dù theo lý thuyết, một công ty bảo hiểm có thể kinh doanh nhiều loại hình sản phẩm hoặc thậm chí tất cả, nhưng đa số các công ty sẽ hoạt động theo hướng tập trung, chọn lựa một nhóm hoặc một vài nhóm sản phẩm đặc thù cho doanh nghiệp của mình.
Như vậy, cách phân loại công ty bảo hiểm rốt cuộc là quy về phân loại công ty đó bán chủ đạo sản phẩm bảo hiểm gì. Về phân loại sản phẩm bảo hiểm, có nhiều cách phân loại nhưng cách phổ biến nhất là theo đối tượng mà bảo hiểm hướng đến bảo vệ. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 số 08/2022/QH15, có 3 loại hình bảo hiểm theo 3 nhóm đối tượng chính:
- Bảo hiểm nhân thọ
- Bảo hiểm phi nhân thọ
- Bảo hiểm sức khoẻ
Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe. Còn bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm nằm ngoài 2 trường hợp kể trên, không trực tiếp liên quan đến tính mạng sức khoẻ con người mà cho những thiệt hại về tài sản, những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự.
- Một số ví dụ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ: Bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm tử kì,…
- Một số ví dụ về sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ: Bảo hiểm cháy nổ, Bảo hiểm xe cơ giới, Bảo hiểm hàng không, Bảo hiểm hàng hoá, Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, Bảo hiểm thân tàu,…
- Một số ví dụ về bảo hiểm sức khoẻ: Bảo hiểm thương tật do tai nạn, Bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn, Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, Bảo hiểm phẫu thuật, Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ,…
3 nhóm sản phẩm này có sự phân hoá khá rõ ràng. Các công ty bảo hiểm thường sẽ tập trung vào chỉ Nhân thọ, hoặc chỉ Phi nhân thọ làm sản phẩm cốt lõi. Rồi sau đó sẽ bán thêm các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ, như một cách gia tăng danh mục sản phẩm, đa dạng hoá lựa chọn cho khách hàng.
2. Công ty Bảo hiểm nhân thọ và Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ
Bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm liên quan tới sống – chết của đời người, vì vậy thời gian đóng phí và thời gian bảo vệ diễn ra trong một khoảng dài. Ngược lại, vì đối tượng của bảo hiểm phi nhân thọ là các tài sản, hàng hoá,… nên thời gian đóng phí và bảo vệ ngắn – thường là 01 năm. Đối tượng của 2 loại hình bảo hiểm này dễ nhận biết như vậy rồi, vậy còn sự khác biệt trong phí đóng và dòng tiền thì sao?
Dòng tiền là khái niệm chỉ xuất hiện ở bảo hiểm nhân thọ. Tức là loại bảo hiểm này có hoạt động tích luỹ và có giá trị hoàn lại. Bạn đóng phí bảo hiểm nhằm bảo vệ cho bản thân, một thời gian sau dừng lại có thể rút một số tiền về. Số tiền tất toán hợp đồng này có thể ít hơn, bằng, hoặc nhiều hơn số phí bạn đã đóng tuỳ vào thời điểm rút.
Bảo hiểm phi nhân thọ bảo vệ ngắn, mua năm nào biết năm đó, không xuất hiện dòng tiền vì phí bảo hiểm đóng xong sẽ không có tích luỹ và không có giá trị hoàn lại.
Nếu bạn có nhu cầu rõ ràng trong việc mua bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ, việc lựa chọn công ty không hề khó khăn. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu mua bảo hiểm sức khoẻ, mà loại bảo hiểm này lại bán ở cả công ty Nhân thọ lẫn công ty Phi nhân thọ. Vậy thì mua ở đâu là hợp lý? Bảng so sánh dưới đây có thể giúp ích cho bạn.
Bảo hiểm Sức khoẻ tại Công ty Nhân thọ | Bảo hiểm Sức khoẻ tại Công ty Phi nhân thọ | |
Đặc điểm | Thường được triển khai giống như Bảo hiểm Nhân thọ | Thường được triển khai giống như Bảo hiểm Phi nhân thọ |
Thời gian đóng phí và thời gian bảo vệ | Dài hạn | Ngắn hạn |
Tích luỹ phí bảo hiểm | Có | Không |
Điều kiện mua | Cần mua kèm sản phẩm nhân thọ, không thể mua riêng | Có thể mua riêng lẻ |
Khả năng tham gia liên tục | Đảm bảo hơn trong khả năng mua liên tục, vì xu hướng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ thường diễn ra trong thời gian dài | Không đảm bảo mua liên tục, mua năm nào biết năm đó, vì nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ diễn ra trong kỳ ngắn, thường theo năm. Năm sau có thể từ chối bảo hiểm |
3. “Gói bảo hiểm” rốt cuộc là gì?
Ngoại trừ việc bạn đã xác định nhu cầu bảo hiểm rất rõ ràng, như việc mua chỉ riêng bảo hiểm nhân thọ, chỉ riêng bảo hiểm tài sản hay chỉ riêng bảo hiểm sức khoẻ, lúc này bạn chỉ mua một sản phẩm nhất định. Trong trường hợp bạn muốn mua kết hợp để đạt được tối ưu hơn, thường là kết hợp của bảo hiểm nhân thọ và sức khoẻ – từ một đơn vị cung cấp duy nhất, thì sự kết hợp này hay được gọi nôm na là “gói bảo hiểm”.
Bạn sẽ thấy muôn vàn cái tên mỹ miều, muôn vàn từ ngữ hay ho: Phúc, An, Lộc, Thọ, Phú, Hưng, Thịnh, Điểm Tựa, Kiến Tạo, Hạnh Phúc, Chắp Cánh, Ưu Việt, Toàn Diện, Trọn Đời,… Đó là những tên Marketing, nghe thì rối rắm tưởng có rất nhiều loại bảo hiểm, nhưng thực chất trong đó chỉ có 3 kiểu “gói bảo hiểm” chính ở tất cả các công ty. Điều này đã được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam và được sự phê duyệt của Bộ Tài chính từ khi sản phẩm ra mắt trên thị trường.
4. Mở “gói bảo hiểm” ra ta có gì?
Từ đây, người viết chỉ phân tích về “gói bảo hiểm” là sự kết hợp của bả hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ – gói phổ biến nhất trên thị trường. Trong đó, bảo hiểm nhân thọ được thiết kế là sản phẩm chính và bảo hiểm sức khoẻ là sản phẩm bổ trợ, bổ sung vào cho gói thêm hoàn hảo. Sự kết hợp của hai nhóm sản phẩm này là một hợp đồng bảo hiểm, một giao kèo giữa khách hàng và Công ty bảo hiểm, tại đó quy định các quyền và lợi của đôi bên.
Trong một hợp đồng bảo hiểm sẽ gồm sản phẩm nhân thọ chính và các sản phẩm sức khoẻ bổ trợ. Hợp đồng sẽ được phân biệt bằng loại sản phẩm chính. Có 3 kiểu “gói bảo hiểm” – hay chính xác hơn là 3 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính như sau:
1. Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp trọn đời:
Sản phẩm nhân thọ truyền thống là bảo hiểm tử kì – chi trả một số tiền khi người tham gia tử vong trong thời hạn đã xác định, tử vong ngoài thời hạn đó thì không trả tiền. Nhưng chất lượng cuộc sống và chất lượng ngành y tế ngày càng được cải thiện, người ta sống thọ qua thời hạn bảo hiểm nhiều hơn, nên sản phẩm truyền thống dần được thay thế bằng sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp bảo vệ trọn đời chứ không xét một cột mốc từ trước nữa.
Như vậy, người mua bảo hiểm nhân thọ này chắc chắn sẽ có được tiền bồi thường cho gia đình của mình. Không chỉ có vậy, ngay trong sản phẩm hỗn hợp này cũng thường được tích hợp thêm một đến nhiều quyền lợi sức khoẻ chuyên biệt nào đó: Bảo hiểm nhân thọ kết hợp bệnh hiểm nghèo, Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm nhân thọ kết hợp tai nạn thương tật, Bảo hiểm kết hợp phiếu tiền mặt hưu trí,… Đây là chỗ để các công ty Bảo hiểm khoe thế mạnh của mình.
Dòng sản phẩm này có mức phí cao, nhưng ăn chắc mặc bền, quyền lợi luôn được đảm bảo. sản phẩm cũng sẽ xác định số tiền chính xác và thời hạn chính xác khi tất toán hợp đồng. Tuy vậy, hạn chế là mức lãi suất không cao (đảm bảo thì luôn thấp).
2. Bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư – liên kết chung:
Cũng giống như dòng hỗn hợp trọn đời trên ở điểm bảo vệ trọn đời và có thể tích hợp cả quyền lợi sức khoẻ nào đó. Tuy nhiên sản phẩm này không xác định số tiền chính xác và thời hạn chính xác tất toán hợp đồng.
Đây là dòng sản phẩm linh hoạt hơn, cho phép người tham gia theo dõi sự tích luỹ và sinh lời dòng tiền trong hợp đồng của mình. Mỗi hợp đồng có 2 tài khoản riêng biệt, phí bạn đóng vào vì thế cũng có thể được chia làm 2 dòng chảy vào 2 tài khoản này nếu như bạn có chỉ định. Một tài khoản dành riêng cho việc bảo hiểm, một còn lại nhằm thuần tuý tích luỹ đầu tư. Bạn có thể đóng thêm tiền bất cứ lúc nào để tăng giá trị hợp đồng, hoặc rút tiền về từ tài khoản đầu tư mà không phải mất phí. Bảo hiểm liên kết chung có cam kết lãi suất tối thiểu, nhưng vẫn cho người tham gia hưởng mức lãi suất thực tế nếu thực tế có kết quả cao hơn.
3. Bảo hiểm liên kết đầu tư – liên kết đơn vị:
Tương tự như bảo hiểm liên kết chung bên trên, nhưng dòng sản phẩm này KHÔNG có lãi suất cam kết. Đồng thời, nó cũng có phí rẻ nhất trong cả ba dòng kể trên, vì tiền phí đóng vào được cho là một đồng tiền có tỉ suất sinh lời cao, sẽ nhanh chóng nhân lên và lấp đầy khoản thiếu hụt mà công ty bảo hiểm đứng ra chịu trách nhiệm cho khách hàng (hệ số đòn bẩy rủi ro cao). Đương nhiên lợi nhuận cao đi kèm là rủi ro cao. Trong điều khoản sản phẩm mà các công ty bảo hiểm được Bộ Tài chính phê duyệt luôn có quy định: Khách hàng được hưởng mọi kết quả đầu tư và tự chịu mọi rủi ro nếu có.
Bảo hiểm hỗn hợp trọn đời | Bảo hiểm liên kết chung | Bảo hiểm liên kết đơn vị | |
Quyền lợi nhân thọ trọn đời | ✔ | ✔ | ✔ |
Tích hợp quyền lợi sức khoẻ | Có thể có hoặc không | Có thể có hoặc không | Có thể có hoặc không |
Xác định trước chính xác số tiền và thời gian tất toán hợp đồng | ✔ | ✘ | ✘ |
Lãi suất cam kết | Không dựa trên lãi suất | ✔ | ✘ |
2 tài khoản bảo hiểm và tích luỹ riêng biệt trên cùng một hợp đồng | ✘ | ✔ | ✔ |
Lựa chọn đầu tư | ✘ | Chỉ có một quỹ đầu tư chung, không có lựa chọn | Có nhiều quỹ đầu tư với cơ cấu khác nhau cho khách hàng lựa chọn theo khẩu vị chấp nhận rủi ro |
Mức phí bảo hiểm tính trên cùng một khách hàng và cùng mức bảo vệ | Thường có mức phí cao nhất do có sự chắc chắn đảm bảo thanh toán trong tương lai | Mức phí trung bình | Thường có mức phí thấp hơn 2 loại kia |
Sau khi xác định sản phẩm chính là 1 trong 3 loại trên, thì gói bảo hiểm nên có thêm các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ khác bổ sung nhằm gia tăng quyền lợi. Các sản phẩm bổ sung này sẽ rất phong phú ở các công ty khác nhau, nhưng chúng chỉ phong phú ở cách thiết kế quyền lợi, như phạm vi trường hợp bảo vệ, thời hạn bảo vệ, đối tượng bảo vệ, danh mục các trường hợp loại trừ, cách tính tiền chi trả,… Chung quy mọi sản phẩm sức khoẻ bổ sung cho bảo hiểm nhân thọ sẽ đều nằm trong các quyền lợi sau:
1. Bảo hiểm tai nạn: Bồi thường cho các trường hợp tổn thương, thương tật, tử vong với nguyên nhân tai nạn. Quyền lợi này sẽ có các danh mục liệt kê tình trạng tổn thương, thương tật và mức % chi trả tương ứng. Sự kiện rủi ro xảy ra sẽ căn cứ theo đó để chi trả bồi thường.
2. Bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn: Bồi thường cho các trường hợp xảy ra thương tật hoặc mất sức lao động trên 81%, mà không xét đến nguyên nhân có phải do tai nạn hay không.
3. Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bệnh lý nghiêm trọng: Bồi thường cho các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư qua các giai đoạn. Bảo hiểm này sẽ đi kèm một danh mục các bệnh, xét theo danh mục đó để xác định mức nhận tiền.
4. Bảo hiểm trợ cấp y tế: Bồi thường một khoản tiền cố định cho mỗi một ngày lưu trú tại viện, khoản tiền này đã được xác định từ trước lú kí kết hợp đồng, không phụ thuộc vào tình trạng của bệnh hay cơ sở bệnh viện điều trị
5. Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ: Bồi thường căn cứ theo hoá đơn thăm khám, viện phí thực tế đã phát sinh mà khách hàng phải bỏ tiền ra. Lưu ý quan trọng nhất với quyền lợi này là phải có hoá đơn hợp lệ hợp pháp, để chứng thực sự kiện điều trị, thăm khám thực sự xảy ra.
5. Nên chọn gói bảo hiểm như thế nào?
Xin nhắc lại, ngoại trừ việc bạn đã xác định rất mạch lạc rằng chỉ mua riêng biệt một trong ba loại bảo hiểm là nhân thọ, phi nhân thọ, hoặc sức khoẻ – thì bạn sẽ chỉ cần tìm đúng loại bảo hiểm đơn lẻ đó để tham gia mà không cần quan tâm mổ xẻ “gói bảo hiểm” có gì. Trong đa số trường hợp còn lại, gói bảo hiểm kết hợp giữa nhân thọ và sức khoẻ sẽ đem lại những lợi ích tối ưu hơn.
Bạn có thể lưu tâm những điều sau:
- Nên mua đầy đủ các quyền lợi sức khoẻ. Chúng ta thường cân nhắc lựa chọn rủi ro này rủi ro kia để mua bảo hiểm, nhưng không thể lựa chọn cái nào sẽ xảy đến với mình.
- Dựa vào đặc thù nghề nghiệp, lối sống, tình trạng người phụ thuộc, chế độ bảo hiểm hiện có, mong muốn bảo vệ chuyên biệt,… cùng nhiều nhân tố khác, để điều chỉnh tỷ trọng của các quyền lợi trong hợp đồng.
- Không nên mua theo những hợp đồng mẫu, những gói đã được thiết kế sẵn, hoặc áp theo từ người bạn quen biết. Cũng không nên mua khi tư vấn viên bảo hiểm chưa lắng nghe tìm hiểu kĩ càng về nhu cầu của bạn mà đã vội đề xuất một phương án họ tự giả định.
- Trong ba loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính, nên mua loại (1) Bảo hiểm hỗn hợp trọn đời nếu bạn không có thông tin hoặc không quan tâm gì đến cách nền kinh tế vận hành, cũng không đặt nặng chuyện lãi – lỗ trên hợp đồng bảo hiểm.
- Ngược lại, nếu bạn có hiểu biết cơ bản trở lên về tài chính và đầu tư, hoặc về pháp luật kinh doanh bảo hiểm, có thể mua loại (3) – bảo hiểm liên kết đơn vị. Vì mặc dù là một sản phẩm liên kết đầu tư có khuyến cáo khách hàng sẽ hưởng mọi lợi nhuận và chịu mọi rủi ro nếu có trong đầu tư, nhưng đây là một sản phẩm đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm – vốn luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Bộ Tài chính can thiệp để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng bằng luật kinh doanh.
- Đắt hay rẻ không phụ thuộc vào số phí bảo hiểm đề xuất, mà cần phải phân tích chi tiết phạm vi bảo vệ, cách chi trả tiền mới có thể so sánh được. Phí bảo hiểm có thể trông rẻ hơn ở phương án này, nhưng nếu nó có nhiều trường hợp không bảo vệ, vậy cũng thành đắt. Vì bạn đang trả tiền cho một phương án không tối ưu.
Bảo hiểm có thể sẽ gây lúng túng cho bất cứ ai ở lần đầu tiếp xúc, với cả những thuật ngữ khô khan hay những ngôn từ tiếp thị bóng bẩy. Tuy nhiên, trong hành trình tìm kiếm một gói bảo hiểm phù hợp cho bản thân, hy vọng những thông tin trên đây sẽ là tấm bản đồ mạch lạc để bất cứ ai phân tách và nhận định hướng lựa chọn cho mình.
Bài viết được biên soạn bởi Vũ Duy Tùng với hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp tại Manulife Vietnam. Hãy chia sẻ tới những người xung quanh nếu có ai đó đang cần thêm thông tin bạn nhé.