Hàng năm, Khảo sát Thế hệ Z và Millennials Toàn cầu của Deloitte nghiên cứu cách các thế hệ này cảm nhận về công việc và thế giới xung quanh họ. Kể từ năm 2020, doanh nghiệp này đã sử dụng khảo sát để có được những hiểu biết cụ thể về những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người lao động thuộc Thế hệ Z và Millennials – đặc biệt là liên quan đến trải nghiệm của họ tại nơi làm việc.
Tại sao? Bởi vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy công việc tác động đến sức khỏe tâm thần và ngược lại. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng trầm cảm và lo âu khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 12 tỷ ngày làm việc mỗi năm[1]. Và trong khi các thách thức về sức khỏe tâm thần có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong nơi làm việc, công việc tốt và thỏa mãn có thể giúp bảo vệ sức khỏe tâm thần.
Vì vậy, năm nay, Deloitte triển khai ra ngoài phạm vi các câu hỏi về hạnh phúc mà doanh nghiệp này đã đặt ra từ năm 2020 – để cố gắng hiểu biết sâu sắc hơn về trải nghiệm của các đáp viên đến nguyên nhân gây căng thẳng và lo lắng liên quan đến công việc. Và từ đó, hiểu rõ hơn về một số yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của người sử dụng lao động.
Dưới đây là tóm tắt kết quả báo khi phân tích câu trả lời từ gần 23.000 người tham gia khảo sát ở 44 quốc gia:
Không phải nguyên nhân duy nhất, nhưng công việc vẫn là yếu tố gây căng thẳng và lo âu hàng đầu cho cả Thế hệ Z và Millennials
Mặc dù không phải là nguyên nhân chính, nhưng công việc vẫn là một yếu tố quan trọng gây ra căng thẳng và lo âu cho cả hai thế hệ. Nhìn chung, báo cáo năm nay cho thấy có ít người thuộc cả hai thế hệ cảm thấy căng thẳng và lo lắng thường xuyên hơn – mặc dù con số này vẫn ở mức 40% đối với Gen Z và 35% đối với Millennials (so với 46% và 39% của năm ngoái). Giống như những năm trước, mức độ căng thẳng cao nhất ở các nhóm thiểu số, ví dụ, gần một nửa số người thuộc thế hệ Z thuộc cộng đồng LGBT+ và sáu trong số mười người thuộc thế hệ Z và Millennials khuyết tật cho biết họ cảm thấy căng thẳng và lo lắng suốt thời gian.
Cũng giống như đánh giá khảo sát từ năm trước, những lo ngại về tài chính – cả về việc mất an ninh tài chính trong tương lai và sức khoẻ tài chính hàng ngày – đứng đầu danh sách những yếu tố gây căng thẳng của họ. Công việc cũng là một yếu tố. Khoảng một phần ba hoặc hơn số người được khảo sát (36% Gen Z và 33% Millennials) thường xuyên cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, cho biết công việc của họ góp phần gây ra căng thẳng. Trong số đó, một nửa cho biết họ không được ghi nhận công sức, phải làm việc nhiều giờ hoặc cảm thấy các quyết định không luôn được đưa ra một cách công bằng hoặc bình đẳng.
Các trải nghiệm công việc ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần, trong đó có tình trạng kiệt sức – burnout
Lần đầu tiên, những người tham gia khảo sát được hỏi về một loạt các yếu tố liên quan đến trải nghiệm tại nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Mặc dù các phản hồi cho thấy cả hai thế hệ đều trải qua những yếu tố này, nhưng chúng đặc biệt phổ biến đối với trải nghiệm của nhân viên Gen Z. Ví dụ, chỉ hơn một phần ba số người thuộc Thế hệ Z cho biết họ thường xuyên cảm thấy không thể nêu ra các vấn đề liên quan đến công việc vì sợ điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến họ, cảm thấy thất vọng về cách thức hoạt động của tổ chức hoặc cảm thấy bị quản lý quá mức. Ba trong số mười người nói rằng họ cảm thấy cô lập suốt thời gian và con số tương tự cũng nói rằng công việc của họ thiếu mục đích.
Đối với những người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng thường xuyên, tỷ lệ trải qua một số yếu tố này tăng gần gấp đôi. Ví dụ, trong số những người tham gia khảo sát này, hơn sáu trong số mười người cho biết họ cảm thấy thất vọng về cách thức hoạt động của tổ chức (62% Gen Z và 63% Millennials), cảm thấy cô đơn và/hoặc bị cô lập (60% Gen Z và 63% Millennials) hoặc cảm thấy không thể nêu ra các vấn đề liên quan đến công việc (62% Gen Z và 61% Millennials).
Kết quả khảo sát về cách mọi người trải qua những yếu tố này cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về các yếu tố có thể góp phần gây ra kiệt sức. Đáng ngạc nhiên là 50% Gen Z và 45% Millennials cho biết họ cảm thấy kiệt sức trong công việc, với hơn một nửa số người thuộc Thế hệ Z kiệt sức cũng cho biết họ cảm thấy không gắn kết với đồng nghiệp, bị quản lý quá mức hoặc công việc của họ thiếu mục đích. Không thể nêu ra các vấn đề hoặc khó khăn liên quan đến công việc đứng đầu danh sách những trải nghiệm làm việc tiêu cực đối với Gen Z kiệt sức (58%) trong khi Millennials cho rằng sự thất vọng về cách thức hoạt động của tổ chức là trải nghiệm tiêu cực hàng đầu của họ (60%). Điều đáng lo ngại là chỉ có một nửa số Gen Z và Millennials cảm thấy rằng nhà tuyển dụng của họ đang thực hiện các bước để giúp ngăn ngừa kiệt sức.
Các nguồn lực hỗ trợ cho sức khoẻ tinh thần được gia tăng nhưng lại ít được sử dụng hiệu quả
Một tín hiệu tích cực là khảo sát năm nay cho thấy việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc đang gia tăng. Nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau – từ tài liệu giảm căng thẳng đến các buổi thảo luận thường xuyên về hạnh phúc với quản lý – hiện đang có sẵn cho gần hai phần ba số người được khảo sát. Trong số các loại hình hỗ trợ này,phổ biến nhất là cơ hội thảo luận về tác động của công việc đến sức khỏe tâm thần với quản lý trực tiếp, với 68% Gen Z và 64% Millennials được hưởng quyền lợi này.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, các hình thức tư vấn hoặc trị liệu do công ty tài trợ (có sẵn cho 57% Gen Z và 52% Millennials) và quyền truy cập vào ứng dụng sức khỏe tâm thần (có sẵn cho 56% Gen Z và 49% Millennials) là những yếu tố hỗ trợ ít được tiếp cận nhất ở cả hai thế hệ. Mặc dù nguồn lực hỗ trợ gia tăng nhưng điều này không tương đương với việc sử dụng rộng rãi. Thực tế, chưa đến một nửa số người có quyền truy cập đã sử dụng các nguồn lực này,bao gồm cả những người có thể cần được hỗ trợ nhiều nhất. Ví dụ, trong số những người có quyền truy cập, chỉ có 46% Gen Z và 48% Millennials thường xuyên cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng sử dụng chương trình hỗ trợ nhân viên (EAP) hoặc đường dây nóng tư vấn. Tỷ lệ sử dụng ứng dụng sức khỏe tâm thần cũng tương tự, với chỉ 49% Gen Z và 51% Millennials trong nhóm này cho biết đã sử dụng. Đối với những người cảm thấy kiệt sức trong công việc, tỷ lệ sử dụng cũng tương tự: chỉ có 49% Gen Z và Millennials kiệt sức sử dụng dịch vụ tư vấn được trả tiền hoặc trợ cấp. Điều này cho thấy việc gia tăng các dịch vụ hỗ trợ không nhất thiết dẫn đến việc sử dụng chúng nhiều hơn.
Lãnh đạo và Quản lý cần làm gì để khuyến khích nhân viên lên tiếng và tìm kiếm sự trợ giúp?
Mặc dù nguồn lực hỗ trợ tại nơi làm việc gia tăng, dữ liệu năm nay cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến thái độ từ cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của quản lý và mức độ thoải mái của nhân viên khi chia sẻ những thách thức về sức khỏe tâm thần. Ví dụ, chỉ có 31% Gen Z và khoảng 27% Millennials cho biết họ có lãnh đạo cấp cao thường xuyên đề cập đến việc ưu tiên sức khỏe tâm thần. Ít hơn 60% ở cả hai thế hệ cảm thấy thoải mái nói chuyện cởi mở với quản lý của mình về những thách thức về sức khỏe tâm thần và chỉ hơn một nửa số người được khảo sát cảm thấy quản lý của họ sẽ biết cách giúp đỡ họ nếu họ chia sẻ những thách thức này. Nghiêm trọng hơn, 27% người được khảo sát lo ngại họ có thể bị phân biệt đối xử nếu nêu lên những vấn đề về sức khỏe tâm thần với quản lý. Điều này liên quan đến việc nhân viên thường có xu hướng “chống chọi” và tỷ lệ tiết lộ thông tin về việc nghỉ phép vì lý do sức khỏe tâm thần thấp: trong số 73% Gen Z và 65% nhân viên Millennials cho biết họ cần nghỉ phép vì căng thẳng hoặc lo lắng, nhưng chỉ có chưa đến bốn trong mười người (39% Gen Z và 34% Millennials) thực sự nghỉ phép và khoảng một nửa trong số đó đưa ra lý do khác cho việc vắng mặt.
Thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng và trải nghiệm: Tập trung hơn vào “Công việc Tích cực”
Mặc dù kết quả khảo sát năm nay cho thấy một số dữ liệu đang dần đi đúng hướng, bức tranh tổng thể hiện ra vẫn là tình trạng căng thẳng, lo âu, kiệt sức và kỳ thị phổ biến ở cả thế hệ Z và Millennials.
Những nỗ lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ của các nhà tuyển dụng là đáng ghi nhận, nhưng việc tiếp nhận các hỗ trợ này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với những người cần chúng nhất. Bên cạnh đó, nhân viên vẫn chưa được lắng nghe đủ tâm tư nguyện vọng từ phía lãnh đạo, lo ngại tiết lộ vấn đề với quản lý (và năng lực của quản lý trong việc hướng dẫn họ đến nguồn hỗ trợ phù hợp), và trong trường hợp xấu nhất, lo ngại bị phân biệt đối xử. Cùng với đó, môi trường làm việc đang đặt ra những yếu tố tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nhân viên, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với những người thường xuyên trải qua căng thẳng và lo âu. Thậm chí, tình trạng này còn phổ biến ở gần một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy kiệt sức khi làm việc.
Rõ ràng, dựa trên dữ liệu khảo sát, việc tiếp tục tập trung vào sức khỏe tâm thần và tinh thần tại nơi làm việc là cần thiết. Tất nhiên, việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ là một phần quan trọng, nhưng những hỗ trợ này sẽ chỉ hiệu quả nếu chúng đến được với những người cần nó. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên sức khỏe tâm thần và làm gương cho nhân viên. Quản lý cần xây dựng các nhóm làm việc an toàn về mặt tâm lý, nơi nhân viên cảm thấy thoải mái chia sẻ vấn đề mà không lo lắng. Ngoài ra, họ cần được trang bị đủ kiến thức để có thể hướng dẫn nhân viên đến các nguồn hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, dữ liệu khảo sát cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa, đặc biệt là vai trò then chốt của việc xây dựng “Công việc Tích cực” để mang lại sức khỏe tổng thể cho nhân viên. Điều này bao gồm xác định những trải nghiệm tiêu cực tại nơi làm việc đang góp phần gây ra căng thẳng và kiệt sức cho nhân viên. Bằng cách tập trung tạo ra môi trường làm việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tinh thần, giảm thiểu các yếu tố gây căng thẳng, từ đó thúc đẩy năng suất và sáng tạo của nhân viên. Đây sẽ là chiến thắng cho tất cả mọi người.
Dịch từ “Meeting The Needs And Expectations Of Gen Zs And Millennials On Workplace Mental Health”, Emma Codd, Forbes