Bài viết này sẽ giới thiệu đến bạn phương pháp chi tiêu dựa trên giá trị bản thân, giúp bạn đạt được sự an tâm về tài chính và hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Chi tiêu dựa trên giá trị bản thân là gì
Tìm cách tối đa hóa những gì bạn có thể sử dụng với thu nhập của mình là một phần quan trọng trong việc quản lý tiền bạc. Việc cải thiện tài chính của bạn không nhất thiết có nghĩa là bạn phải ngừng mua những thứ không cần thiết – bạn chỉ cần đảm bảo rằng bạn đang tránh những khoản chi tiêu phù phiếm, thiếu suy nghĩ, để có đủ chỗ cho những thứ mà bạn thực sự yêu thích và quan tâm.
Chi tiêu dựa trên giá trị bản thân là cách thức quản lý tài chính tập trung vào việc sử dụng tiền bạc cho những thứ thực sự quan trọng và mang lại ý nghĩa cho bạn. Thay vì mua sắm theo xu hướng hay chạy theo những định nghĩa từ người khác, bạn sẽ ưu tiên chi tiêu cho những thứ mang lại lợi ích lâu dài và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của riêng bạn.
Đơn giản hơn, như Maia Monell, đồng sáng lập và giám đốc tăng trưởng của ứng dụng sức khoẻ tài chính Nav.it cho biết : “Chi tiêu dựa trên giá trị của bạn có nghĩa là đưa ra những lựa chọn phản ánh những gì quan trọng đối với bạn”. “Nó có nghĩa là đầu tư vào những thứ sẽ mang lại cho bạn niềm vui, sự hài lòng, cảm giác thành tựu và có mục đích.”
Phương pháp này đề cao việc sống và tiêu dùng có ý thức, giúp bạn:
- Kiểm soát tài chính hiệu quả: Khi bạn chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn và tránh tình trạng lãng phí.
- Đạt được mục tiêu tài chính: Bằng cách tập trung chi tiêu cho những thứ quan trọng, bạn sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính như mua nhà, đầu tư hay du lịch.
- Tăng cường sự hạnh phúc và thỏa mãn: Khi bạn chi tiêu cho những thứ mang lại cho bạn niềm vui và sự hài lòng, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn trong cuộc sống.
Xác định giá trị cốt lõi của bản thân
Bước đầu tiên để áp dụng phương pháp chi tiêu dựa trên giá trị bản thân là xác định những điều thực sự quan trọng đối với bạn trong cuộc sống. Hãy dành thời gian để suy ngẫm về những câu hỏi sau:
- Điều gì mang lại cho bạn niềm vui và sự hài lòng?
- Bạn trân trọng điều gì nhất trong cuộc sống?
- Mục tiêu dài hạn của bạn là gì?
- Bạn muốn dành tiền của mình cho những gì?
Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định giá trị cốt lõi của bản thân, những điều mà bạn thực sự quan tâm và muốn hướng đến trong cuộc sống.
Ví dụ: Nếu ở bên gia đình mang lại cho bạn niềm vui lớn nhất thì số tiền bạn chi cho các hoạt động gia đình có thể cao hơn số tiền bạn chi cho các lĩnh vực khác như chăm sóc bản thân hay chi phí xã giao xã hội. Và nếu sức khỏe và thể lực là những phần quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày của bạn, giúp bạn có nhiều động lực nhất, thì bạn nên chi nhiều tiền hơn cho các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao và cho phòng tập.
Giá trị của bạn cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn cuộc sống của bạn.
Là một người trẻ độc thân, có thể bạn sẽ cảm thấy vui nhất khi tiêu tiền để đi du lịch và kết nối với bạn bè, hoặc những sự kiện đem lại những trải nghiệm sống thú vị. Nhưng nếu bạn là một người đang chăm lo cho gia đình của riêng mình, trong một căn hộ ấm cúng mà bạn mới tậu được, thì có thể điều khiến bạn hạnh phúc nhất thường tập trung vào việc trang trí nhà cửa, mua đồ dùng cho các thành viên, hay bất cứ thứ gì nhằm giúp cho ngôi nhà của bạn trở nên ấm cúng hơn.
Khi bạn biết giá trị của mình, bạn có thể bắt đầu đưa ra những lựa chọn chi tiêu phản ánh chúng. Điều đó cũng đúng khi ngược lại. Nếu bạn đang chưa biết giá trị cốt lõi của của đời mình đang ở đâu, bạn cũng có thể nhìn lại và đánh giá các khoản chi gần nhất và so sánh tỉ trọng giữa chúng. Hãy nghĩ về những trải nghiệm bạn yêu thích, những thú vui bạn tận hưởng và những cách bạn đang làm để cải thiện cuộc sống hàng ngày của mình. Những chỗ tiêu tiền đó đang phản ánh xu hướng của bạn. Và bạn có thể đánh giá lại xem đó có thực sự là giá trị của mình hay không.
Lập kế hoạch chi tiêu và theo dõi tiến trình
Sau khi xác định giá trị cốt lõi, bạn cần lập kế hoạch chi tiêu cụ thể để đảm bảo rằng bạn đang sử dụng tiền bạc một cách phù hợp.
- Theo dõi thu nhập và chi tiêu: Ghi chép lại tất cả các khoản thu nhập và chi tiêu của bạn trong một chu kì thời gian nhất định (ví dụ: một tháng). Đây là điều rất quan trọng vì nó cho thấy bạn đang thực sự dành tiền vào đâu, điều đó có đúng hướng không, từ đó xác định những khoản chi tiêu không cần thiết. Hãy theo dõi chi tiêu trong vài tháng để nhận ra trong từng hạng mục chi phí, bạn tiêu tốn đến mức nào, có cần điều chỉnh hạng mục đó hay không, nếu có thì cần điều chỉnh bao nhiêu.
- Tái phân bổ ngân sách: Dựa trên giá trị cốt lõi và mục tiêu tài chính bạn đặt ra, đồng thời dựa trên tình hình chi tiêu thực tế; hãy phân chia lại ngân sách cho các khoản chi tiêu sao cho phù hợp. Ưu tiên những khoản chi tiêu quan trọng và mang lại lợi ích lâu dài cho bạn.
- Sử dụng công cụ hỗ trợ: Có rất nhiều ứng dụng và phần mềm quản lý tài chính có thể giúp bạn theo dõi chi tiêu và lập kế hoạch một cách hiệu quả.
Hãy theo dõi tiến trình chi tiêu của bạn thường xuyên và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Đừng ngại thay đổi nếu bạn nhận ra rằng một số khoản chi tiêu không phù hợp với giá trị hoặc mục tiêu của bạn.
Mẹo để chi tiêu hiệu quả dựa trên giá trị bản thân
- Mua sắm trong sự so sánh: So sánh giá cả trước khi mua, tận dụng các chương trình khuyến mãi và ưu đãi, nhưng chỉ mua khi bạn thực sự cần chứ không phải vì nó đang được khuyến mãi.
- Tránh mua sắm bốc đồng: Tránh mua sắm khi bạn đang buồn chán, căng thẳng hoặc mệt mỏi.
- Đầu tư vào bản thân: Đầu tư vào việc học tập, phát triển kỹ năng và chăm sóc sức khỏe của bạn. Những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích cho bạn trong tương lai.
- Trải nghiệm những điều mới mẻ: Dành tiền cho những trải nghiệm mới mẻ như tham gia các lớp học hoặc thử những sở thích mới. Những trải nghiệm này sẽ mang lại cho bạn những kỷ niệm đẹp và giúp bạn phát triển bản thân.
Chi tiêu dựa trên giá trị là một cách thức quản lý tài chính hiệu quả và giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Những gợi ý trên chắc chắn sẽ giúp bạn bắt đầu chi tiêu một cách ý nghĩa hơn.