Biết bạn muốn tiết kiệm tiền và thực sự bắt đầu tiết kiệm là hai việc khác nhau. Cho dù bạn đang tiết kiệm tiền để mua nhà, cho kỳ nghỉ cùng gia đình hay mục tiêu khác, đây là những mẹo đơn giản để bạn thực hiện thành công.
1. Xem lại chi phí của bạn
Thật khó để tiết kiệm nếu bạn không biết tiền của mình sẽ đi đâu hoặc nếu bạn đang phải vật lộn để trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày. Việc xem lại bảng sao kê tài khoản và thẻ tín dụng của bạn có thể giúp bạn xác định các khoản chi phí mà bạn có thể cắt giảm.
Dưới đây là một số mẹo để giảm chi tiêu:
- Hủy đăng ký hoặc tư cách thành viên bạn không còn sử dụng
- Hạ cấp các gói internet hoặc điện thoại di động
- Ăn sáng tại nhà thay vì ngoài hàng
- Mang bữa trưa đi làm
- Tìm kiếm chuyển sang những tài khoản và thẻ ngân hàng miễn phí, ưu đãi phí
- Xem lại các chính sách bảo hiểm để bạn chỉ phải trả tiền bảo hiểm trong mức bạn cần
- Từ bỏ các thẻ tín dụng kích thích mua sắm
- Không thêm thẻ tín dụng vào các ví điện tử của bạn
2. Rõ ràng về mục tiêu của bạn
Khi nói đến việc tiết kiệm tiền, có một động lực đủ lớn và duy trì được nó đã là chiến thắng một nửa trận chiến. Sẽ dễ dàng hơn để duy trì kế hoạch tiết kiệm nếu bạn biết mục tiêu mình đang cố gắng đạt được.
Dưới đây là một số mục tiêu tiết kiệm phổ biến:
- Xây dựng quỹ khẩn cấp
- Tiết kiệm để trả trước nhà hoặc xe
- Tích vốn kinh doanh
- Đưa gia đình đi du lịch
- Chuẩn bị hưu trí
- Chuẩn bị cho con học đại học
- Mua ngôi nhà thứ hai hoặc tài sản đầu tư
- Để lại di sản cho người thân
Cách tốt nhất để đặt ra các mục tiêu rõ ràng là làm cho chúng SMART — cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, phù hợp với bạn và có thời hạn.
Ví dụ: “Tôi muốn tiết kiệm tiền” là mục tiêu không hiệu quả. Mặt khác, “Tôi muốn tiết kiệm 30.000.000đ cho quỹ khẩn cấp trong 6 tháng” là mục tiêu SMART và bạn sẽ có khả năng đạt được nó hơn.
3. Hiểu bản thân và các yếu tố kích thích chi tiêu của bản thân
Xác định các yếu tố kích thích chi tiêu có thể giúp bạn giảm chi phí và tiết kiệm tiền.
Yếu tố kích thích chi tiêu có thể gắn liền với các trạng thái tâm lý nào đó của bạn, vì phần lớn các quyết định của chúng ta mang tính cảm xúc. Có thể ở bạn, hễ cảm thấy căng thẳng hoặc buồn chán bạn sẽ cần đi mua sắm gì đó để an ủi bản thân. Đó có thể là một món nữ trang nhỏ, một bộ cánh mới, hoặc đơn giản chỉ là những đồ ăn vặt tưởng như không đáng kể. Hoặc có người lại chi tiêu quá tay hơn khi bản thân đang vui vẻ.
Yếu tố kích thích chi tiêu cũng có thể gắn liền với các hiện diện vật lý nào đó. Một địa điểm cụ thể như trung tâm mua sắm nơi có nhiều khu vực trang trí lộng lẫy, các gian hàng cho nhiều mẫu thử miễn phí, hoặc các banner quảng cáo với các thông tin hấp dẫn. Chúng cũng có thể được liên kết với một ai đó, chẳng hạn như thành viên gia đình hoặc bạn bè là người mà cứ hễ xuất hiện là lại rủ bạn chi tiêu, hoặc một nhân viên chăm sóc khách hàng tại quán quen thuộc, người rất hiểu bạn và luôn đưa ra các đề xuất khiến bạn rung động.
Để xác định các yếu tố kích hoạt chi tiêu cụ thể của bạn, hãy xem xét các khoản chi tiêu ngoài kế hoạch gần đây để phát hiện ra các xu hướng. Nếu bạn luôn ở bên một người cụ thể, tại một cửa hàng nhất định hoặc cảm thấy một cách cụ thể tại thời điểm mua hàng, đó có thể là yếu tố thúc đẩy chi tiêu.
4. Trả hết nợ
Trả hết nợ là một trong những cách tốt nhất để đến được nơi mà bạn có thể dành nhiều tiền lương hơn để tiết kiệm. Nếu tổng số tiền thanh toán nợ hàng tháng của bạn là 200 đô la, thì đó là 200 đô la mà bạn có thể gửi vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng.
Ưu tiên trả nợ lãi suất cao, đặc biệt là nợ thẻ tín dụng và xem xét các phương án làm giảm mức lãi suất này. Một số ngân hàng còn đề xuất những khoản vay có mức lãi suất thấp hơn mức lãi của nợ thẻ tín dụng – dù chỉ một chút – cho bạn. Đó cũng là một cách mà bạn có thể tham khảo. Mặc dù cách này nhanh chóng biến bạn trở thành một tín đồ của ngân hàng đúng theo ý họ, nhưng nếu bạn quản lý bản thân tốt trong chi tiêu, bạn không nên bỏ lỡ vì thời gian sẽ làm món nợ của bạn càng tăng trưởng nhanh, trong khi bạn cần làm điều ngược lại là tăng trưởng tiết kiệm.
5. Tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn
Tự động hóa sẽ nhanh chóng đưa hành động tiết kiệm của bạn trở thành thói quen. Có hai cách chính để tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn:
- Thiết lập chuyển khoản tự động. Thực hiện tính năng này thông qua các ứng dụng ngân hàng mà bạn đang sử dụng. Cài đặt lệnh chuyển khoản tự động vào tài khoản tiết kiệm có thể là hàng tuần, hàng tháng, vv. Áp dụng khi bạn có nguồn thu nhập tương đối đều đặn.
- Tiết kiệm trực tiếp thông qua nơi lao động của bạn. Một số công ty có phúc lợi đồng hành hưu trí cùng người lao động. Ngoài khoản mà công ty trích ra theo hợp đồng lao động đã xác định, bạn có thể thoả thuận lại với chủ lao động về số tiền thực tế mình muốn đổ vào tài khoản tiết kiệm nhân viên. Và như vậy, công ty sẽ gửi thẳng một phần tiền lương vào tài khoản tiết kiệm của bạn.
Tại sao tiết kiệm tiền lại quan trọng
Có tiền tiết kiệm mang lại một tấm đệm an toàn chống lại những bất ổn trong cuộc sống. Nếu bị sa thải, bạn vẫn sẽ có đủ thời gian tìm kiếm cơ hội phù hợp, thay vì vội vã chấp nhận lời đề nghị đầu tiên đến với mình. Nếu bạn nhận được chẩn đoán y tế, dự tính được rằng cần phải chi khá nhiều tiền và thậm chí cần phải nghỉ làm một thời gian. Lúc này, nếu bạn có tiền tiết kiệm, bạn có thể nhanh chóng ưu tiên cho sức khoẻ của mình mà không cần lo lắng về việc làm thế nào để duy trì cuộc sống.
Tiết kiệm để bạn có thể xử lý bất cứ điều gì xảy đến, theo cách mình mong muốn để đạt được bình an trong tâm trí. Và điều đó rất xứng đáng với nỗ lực tiết kiệm bạn bỏ ra.