Nội dung bài này là một trích đoạn từ cuốn sách “Bí quyết thành công của các triệu phú trẻ Hàn Quốc”. Đơn vị tiền tệ trong bài được người soạn giữ nguyên đơn vị won. Để dễ hình dung, người đọc hãy tự lưu ý tỉ giá đồng won và đồng VND để có tương quan trong quá trình đọc và nắm bắt thông tin bài viết. Khuyến khích đọc bản sách giấy để có cái nhìn trọn vẹn hơn.
Mối quan tâm chủ yếu của tuổi 30 là “chăm lo, vun đắp cho gia đình”. Ở tuổi này, việc nuôi dạy con cái và kiếm tiền đều quan trọng như nhau, do vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tuổi 30 là thời gian thích hợp nhất để điều chỉnh giữa nhu cầu tiêu dùng hiện tại và tiết kiệm dành cho tương lai.
Cần đánh giá tài sản của mình để bắt đầu kế hoạch tài chính
Muốn bắt đầu một kế hoạch tài chính, việc đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra, đánh giá tình hình tài sản, nợ vay của mình. Trong nhà bạn có tài sản nào chỉ làm tiêu tốn nhiều tiền mà không mang lại lợi ích? Bạn có mua sắm đồ dùng quá đắt để rồi cuộc đời bạn gắn liền với các con số âm?… Nếu bạn luôn bị rơi vào tình trạng không có tiền chi tiêu dù kiếm được khá nhiều tiền, hãy thử ghi chép nhật ký chi tiêu trong một tháng và phân tích xem tiền biến đi đâu.
Khi đánh giá tài sản, không được dễ dãi với bản thân. Sau khi nhận ra những tài sản có giá trị quá lớn so với thu nhập và không có tính thực dụng cao, hãy mạnh dạn thanh lý và dùng số tiền ấy để trả nợ vay (nếu có).
Tuổi 30, không vay nợ để đầu tư
Điều này thuộc về vấn đề quản lý nợ ở tuổi 30. Nếu biết phát huy hiệu quả nợ vay thì đó là đòn bẩy. Ngược lại, tuổi 30 sẽ dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng về tài chính, mất tín nhiệm và những sai lầm không thể sửa chữa.
Vì bản thân và gia đình, hãy sẵn sàng đối phó với rủi ro và nguy hiểm
Chuẩn bị cho tuổi già chính là vì bản thân và vì sự an toàn, hạnh phúc của gia đình bạn. Nếu chẳng may gặp sự cố, bạn, với tư cách là người chủ gia đình, hãy tự hỏi rằng cuộc sống của con ngoan vợ hiền của bạn có được đảm bảo hay không? Yếu tố nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và các yếu tố nguy hiểm nhất khác là gì? Đối phó bằng cách nào nếu chẳng may bạn mất sớm hay bị tai nạn, bệnh tật? Đó là những khả năng xấu mà tuổi 30 cần nghĩ tới. Con người cứ nghĩ mình khoẻ mạnh mãi, nhưng thực tế không bao giờ chiều theo ý muốn của họ.
Tuổi 30 cần kiểm tra lại các hợp đồng bảo hiểm đã đóng từ tuổi 20. Hãy mở rộng phạm vi bảo hiểm, tăng số tiền bảo hiểm nếu có thể. Bạn cần biết rằng càng có tuổi thì khả năng đóng bảo hiểm càng khó khăn (phí bảo hiểm cao hơn, điều kiện đóng bảo hiểm y tế càng bị hạn chế, vv.)
Đầu tư ở tuổi 30
Giống như tuổi 20, bạn cần căn cứ vào số vốn hiện có mà chọn thương phẩm phù hợp. Hãy căn cứ vào các mục tiêu cụ thể như tiền ăn học cho con, tiết kiệm cho tuổi già, trả nợ vay mua nhà, dự phòng đối phó rủi ro, nguy hiểm, v.v. mà xây dựng kế hoạch tài chính thích hợp.
Khi chọn thương phẩm đầu tư, cần xem xét khả năng tài chính của bản thân, mức độ rủi ro có chấp nhận được hay không, thời gian sử dụng vốn, thời gian đầu tư dài hay ngắn, v.v. Đối với các khoản tiết kiệm cho tuổi già, tiền ăn học của con cái, bạn chớ phạm sai lầm trong những lần điều chỉnh nhằm đạt được các kết quả ngắn hạn. Khi đầu tư lâu dài, bạn cần chọn lựa những thương phẩm chứa đựng ít yếu tố nguy hiểm.
Xuyên suốt một đời người, tỷ trọng tài chính đầu tư để trả nợ mua nhà chiếm khoảng 50%, tiết kiệm và tiền ăn học dành cho con cái chiếm khoảng 20% và dự phòng đối phó với rủi ro tuổi già khoảng 10%.
Các loại thương phẩm đáng lưu ý ở tuổi 30:
- Tiết kiệm mua nhà trả góp/Tích luỹ mua nhà
- Bảo hiểm hưu trí
- Bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm định kì, bảo hiểm bệnh tật
- Các quỹ đầu tư trong nước, ngoài nước
Trắc nghiệm tìm hiểu xem bạn có những thói quen sinh hoạt và khuynh hướng tài chính nào giống với các triệu phú trẻ Hàn Quốc: TẠI ĐÂY