Nội dung bài này là một trích đoạn từ cuốn sách “Bí quyết thành công của các triệu phú trẻ Hàn Quốc”. Đơn vị tiền tệ trong bài được người soạn giữ nguyên đơn vị won. Để dễ hình dung, người đọc hãy tự lưu ý tỉ giá đồng won với đồng VND để có tương quan trong quá trình đọc và nắm bắt thông tin bài viết. Khuyến khích đọc bản sách giấy để có cái nhìn trọn vẹn hơn.
Chọn nguyên tắc “tiết kiệm, tích luỹ và đầu tư an toàn” làm phương châm cho cuộc sống
Kang Tea Yong hiện là sinh viên Khoa luật và được nhận học bổng danh dự của một trường đại học tư thục nổi tiếng. Trong khi các đồng môn đang phải vật lộn với các bộ luật kinh điển ở thư viện thì Kang lại mải mê nghĩ cách kiếm tiền.
Ngay từ khi còn học phổ thông, Kang đã tỏ ra có năng khiếu trong việc này. Chẳng hạn, anh tìm mua những tờ tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới tại các hiệu sách cũ với giá 10.000 won, sau đó cắt thành từng trang ép nhựa và đem bán cho bạn bè, mỗi trang 1.000 won. Hoặc mỗi tuần một lần, Kang tự làm ra vé số mệnh giá 100 won, đem bán cho 60 bạn cùng lớp. Hàng tuần chỉ có một vé trúng thưởng và người trúng giải được lãnh 3.000 won. Như thế, mỗi tuần Kang thu “lãi ròng” 3.000 won.
Trong suốt thời gian gần bốn năm đại học, Kang tiếp tục vừa học vừa kiếm tiền, từ làm gia sư đến nhân viên pha chế rượu cho các khách sạn nhỏ ở Myung Dong. Khoảng thời gian ấy Kang kiếm được tổng cộng 40 triệu won và chi phí cho mỗi năm học đại học của anh là 1 triệu won.
Sau khi tốt nghiệp, Kang vào quân đội và không còn cơ hội làm thêm như trước đây. Thế là anh đem toàn bộ số tiền hiện có đầu tư vào cổ phiếu của hāng Thông tin Hàn Quốc (hiện nay là hãng SK) và hãng Nong Sim. Điều này dần trở thành thói quen, ngay cả khi anh đã rời khỏi quân ngũ.
Ba mươi tuổi, Kang lập gia đình. Vợ anh là y tá tại một bệnh viện lớn. Hai vợ chồng anh dốc lòng tích luỹ để mua cổ phiếu và họ đã làm giàu một cách nhanh chóng. Hiện tại, chưa kể nhà cửa, Kang có trong tay số tiền hơn 4 tỷ won (70 tỷ VND). Chỉ riêng số tiền 4 triệu won trước khi Kang vào quân đội, sau 14 năm đã lớn thành 3 tỷ won (53 tỷ VND).
Tôi hỏi Kang bí quyết gì đã đưa anh vào danh sách những tỷ phú trẻ Hàn Quốc, Kang nói: “Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nghĩ mình phải trở nên giàu có. Vì không có tài sản thừa kế, lại không có năng khiếu gì đặc biệt nên tôi đã chọn nguyên tắc “tiết kiệm, tích luỹ và đầu tư an toàn” làm phương châm cho cuộc sống của mình. Đây là một nguyên tác rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể chuyển chúng vào thực tiễn và bám sát các trình tự cần thiết. Người ta thường bỏ qua giai đoạn “tiết kiệm và tích luỹ”, đồng thời coi thường vấn đề “an toàn” khi tiến hành đầu tư. Làm như thế suy cho cùng là họ đang đánh bạc”.
Người chỉ biết làm việc suốt ngày thì không có thời gian suy nghĩ cách làm giàu
Nhiều người thường băn khoăn về các triệu phú trẻ “Sao người ấy còn trẻ mà đã tích luỹ được tài sản hàng trăm triệu, hàng tỷ won như vậy nhỉ?”. Trong số họ, có người thành công rực rỡ từ số tài sản được thừa kế, nhưng đại bộ phận là tự mình nỗ lực ‘một tay gây dựng cơ đồ’. Các triệu phú trẻ ngày nay có học vấn cao, kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp vững chắc. Họ làm việc nhiệt tình hơn bất cứ ai vì họ biết rõ giá trị của từng won tích luỹ được. Cho nên, họ từng bước tiến tới sự giàu có là điều dễ hiểu.
Trong quá trình tìm hiểu về các triệu phú trẻ, tôi khám phá ra một sự thật thú vị: Hầu hết các triệu phú trẻ đều bắt đầu sự nghiệp từ vài triệu, hoặc vài chục triệu won. Họ tiết kiệm để tích luỹ vốn ban đầu và đầu tư vào các lĩnh vực đầy triển vọng. Họ luôn tôn trong nguyên tắc “tiết kiệm và tích luỹ”, nhưng họ không xem đó là mục tiêu, mà chỉ là một phương tiện làm giàu. Đây chính là điểm chung trong chiến lược làm giàu của những con người trẻ tuổi này.
Vừa làm trưởng phòng một xí nghiệp lớn, vừa đầu tư vào cổ phiếu, Lee Min Su kiếm được rất nhiều tiền. Lee nhấn mạnh:
“Từ khi còn trẻ, tôi đã có ý thức hình thành tập quán tiết kiệm để có tiền vốn. Nhưng ước mơ tiết kiệm để trở thành người giàu là khác với ước mơ của những người giàu thực sự. Nhiều người nỗ lực để trở nên gìau có và xem tiết kiệm không chỉ là một đức tính tốt, mà còn là một trong những con đường dẫn tới sự giàu có mà ai cũng có thể thực hành.”
Các triệu phú trẻ cho rằng nhiệt tình trong công việc mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để có thể đứng vào hàng ngũ triệu phú. Sự nhiệt tình đó sẽ đem đến khoản thu nhập hàng năm rất cao, nhưng nếu chỉ làm việc chăm chỉ mà không biết sử dụng hiệu quả số tiền mình kiếm được thì cũng chỉ là một sự tích luỹ ngắn hạn.
Tuy mới chỉ bước vào tuổi 40, nhưng đã có trong tay hàng tỷ won nhờ tiết kiệm và đầu tư cổ phiếu, triệu phú Do Hol Chol nói:
“Đức tính nổi bật nhất của những người trẻ tuổi là hăng hái, nhiệt tình. Nhưng ‘con sâu việc’ sẽ khó trở nên giàu có nếu chỉ biết có công việc. Đó là điều chắc chắn bởi họ không có đầu óc làm giàu. Vì họ làm việc nhiệt tình nên được trả lương cao, càng được trả lương cao họ càng say sưa với công việc và hài lòng với đồng lương đó. Ngoài tiền lương, họ không quan tâm tới điều gì khác . Nhìn chung, đó là những người không có thời gian lẫn kế hoạch cụ thể để gia tăng thu nhập, kiểm soát chi tiêu và tìm hiểu về đầu tư.
Làm việc không phải kiếm tiền để chi tiêu mà để đầu tư
Hầu hết các triệu phú trẻ thời còn ngồi trên ghế đại học đều đi làm thêm để tích luỹ thật sự. Việc làm thêm của họ là một sự lựa chọn để tạo đồng tiền vốn, trong khi những sinh viên khác làm thêm để lấy tiền mua quà cho người yêu. Triệu phú Kim Myung Ho, người nắm trong tay hàng chục tỷ won nhờ vào đầu tư, nói:
“Có một thời, mọi người đua nhau dùng hàng hiệu. Nếu đó không phải hàng chính hãng thì cũng là hàng nhái. Ai cũng muốn mình là người sành điệu. Nhìn bạn bè đua nhau đi làm thêm chỉ để lấy tiền mua túi xách tay hàng hiệu tặng bạn gái, tôi thấy thật ái ngại cho họ. Muốn trở nên giàu có thì bạn phải làm việc vì mục đích lấy tiền đầu tư, chứ không phải để chi tiêu.”
Những người giàu có trẻ tuổi sớm nhận ra rằng tiết kiệm, tích luỹ là phương tiện để có vốn. Đồng thời họ cũng là những người biết sử dụng song song một cách có hiệu quả tích luỹ và đầu tư. Họ nhanh chóng nhận ra và thực hành nguyên lý ‘tiền đẻ ra tiền’.
Lần đầu tiên ở tuổi 20, Sang Choil cầm sổ ngân hàng 20 triệu won nhảy vào thị trường bất động sản và nhanh chóng trở thành tỷ phú. Choil nói:
“Kiếm tiền cũng giống như chạy đua. Bạn xỏ giày và bước vào vạch xuất phát – đó là tích luỹ. Sau đó bạn chạy hết sức về đích – đó là đầu tư.”
Thực ra, vốn ban đầu của các triệu phú chỉ là vài triệu hoặc vài chục triệu won. Nhưng điểm chung của họ là tất cả đều bước vào con đường kinh doanh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau khi tích luỹ được một khoản tiền nhất định, họ bắt đầu học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, sách vở, báo chí và tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, v.v Từ những thành công nho nhỏ ban đầu, họ đúc kết kinh nghiệm và chuẩn bị cho những thành công lớn hơn.
Tích luỹ là phòng thủ, đầu tư là tấn công
Phong cách của các triệu phú trẻ là làm việc nhiệt tình, luôn luôn tiết kiệm và tích luỹ để đầu tư, chu trình đó cứ thế không ngừng lặp lại. Tích luỹ và đầu tư là nguyên tắc nhất quán trong cuộc sống của họ. Kim Jong Ho, triệu phú 42 tuổi – chủ một rạp chiếu bóng ba chiều hiện đại ở Seoul, nói:
“Nếu so sánh tích luỹ và đầu tư với bóng đá thì tích luỹ là phòng thủ, đầu tư là tấn công. Nếu bạn có hàng tiền vệ xuất sắc nhưng không có những hậu vệ tốt thì khả năng thua trận là rất lớn. Hãy nhớ rằng nếu chỉ có tích luỹ mà không có đầu tư, hoặc chỉ có đầu tư mà không có tích luỹ thì cũng không mang lại hiệu quả. Sẽ có những lúc bạn thu được lợi nhuận rất lớn từ đầu tư nhưng đừng bao giờ sao nhãng việc tích luỹ.”
Trắc nghiệm tìm hiểu xem bạn có những thói quen sinh hoạt và khuynh hướng tài chính nào giống với các triệu phú trẻ Hàn Quốc: TẠI ĐÂY